Tuyển tập các tác phẩm thơ tiêu biểu của Tú Xương

Tuyển tập các tác phẩm thơ tiêu biểu của Tú Xương

Thơ Tú Xương mang đậm phong cách giản dị, đời thường với giọng thơ châm biếm sắc bén. Ông là một trong những nhà thơ có môn phái đặc biệt nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Dù cuộc đời ngắn ngủi nhưng kho tàng tác phẩm của Tú Xương rất đồ xộ với hàng trăm bài thơ Nôm ở nhiều thể loại.

Trọn bộ thơ Tú Xương

Tú Xương (1870 – 1907), tên thật là Trần Tế Xương là nhà thơ của những mảnh đời bất hạnh nhưng vẫn đậm chất trữ tình, lãng mạn. Trong sự nghiệp sáng tác ngắn ngủi của mình, ông đã để lại cho nền văn học Việt gần 200 bài thơ Nôm được viết ở nhiều thể thơ như thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt và lục bát.

Thơ Tú Xương
Tuyển tập các tác phẩm của nhà thơ Tú Xương

Nếu được hỏi Tú Xương là tác giả của bài thơ nào, 99% câu trả lời sẽ là Thương Vợ. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, xuất hiện trong chương trình giáo dục Ngữ Văn 11.

Dưới đây là một số tác phẩm tiêu biểu của Tú Xương:

  • Thương vợ.
  • Năm mới chúc nhau.
  • Văn tế sống vợ.
  • Sông lấp.
  • Ba cái lăng nhăng.
  • Áo bông che bạn.
  • Vịnh khoa thi Hương.
  • Giễu người thi đỗ.
  • Ông cò.
  • Phường nhơ.
  • Anh kiệt chơi hoang (Giễu bạn).
  • Bác cử Nhu.
  • Bảo người bán sực tắc.
  • Bắt được đồng tiền.
  • Bợm già.
  • Bỡn người làm mối.
  • Buồn thi hỏng.
  • Cái nhớ.
  • Cảm hoài.
  • Cảm hứng.
  • Chế bạn lấy vợ bé.
  • Chế ông đốc học.
  • Giễu người thi đỗ.
  • V.v

Những bài thơ của Tú Xương về chủ đề trữ tình

Các tác phẩm của Tú Xương về chủ đề trữ tình với giọng văn thắm thiết, giản dị và gần gũi khiến không ít nhà phê bình văn học phải kinh ngạc. Chẳng ai nghĩ một nhà thơ được gắn cho cái mác “nhà thơ của những người bất hạnh” lại có thể viết được những câu thơ hay, lãng mạn đến thế.

1/ Thương vợ

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:
Có chồng hờ hững cũng như không!

Thơ của Tú Xương
Thương vợ

2/ Văn tế sống vợ

Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ
Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ
Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn?
Người ung dung, tính hạnh khoan hoà, chỉ một nỗi hay gàn hay dở!
Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười
Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ
Gần xa nô nức, lắm gái nhiều trai
Sớm tối khuyên răn, kẻ thầy người tớ
Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu
Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ
Thế mà:
Mình bỏ mình đi, mình không chịu ở
Chẳng nói chẳng rằng, không than không thở.
Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen?
Hay mình thấy tớ: sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai, mà lòng mình sợ?
Thôi thôi
Chết quách yên mồ
Sống càng nặng nợ
Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ, ngày khác sẽ hay
Duyên trăm năm ông Nguyệt xe tơ, kiếp này đã lỡ
Mình đi tu cho thành tiên thành phật, để rong chơi Lãng Uyển, Bồng Hồ
Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ

3/ Nghèo mà vui

Kể suốt thế đố ai bằng anh Mán,
Trải mùi đời, khôn chán giả làm ngây.
Hổ sinh ra lúc thời này,
An thân mệnh thế, giấu tay anh hùng.
Không danh cho dễ vẫy vùng,
Mình không phú quí, mắt không vương hầu.
Khi để chỏm, lúc cạo đầu,
Nghêu ngao câu hát nửa tàu nửa ta.
Không đội nón, chịu màu da dãi nắng,
Chẳng nhuộm răng, để trắng để cười đời.
Chốn quyền môn luồn cúi mặc ai ai,
Ngoài cương toả thảnh thơi ai đã biết?
Chỉ ấm ớ giả câm giả điếc,
Cứ vui tràn khi hát khi ngâm.
Trên đời mấy mặt tri âm!

4/ Sông lấp

Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

5/ Áo bông che bạn

Hỡi ai, ai có thương không?
Đêm mưa, một mảnh áo bông che đầu
Vì ai, ai có biết đâu?
Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình
Non non nước nước tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ!

6/ Vợ chồng Ngâu

Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.
Một là duyên, hai thời là nợ,
Sợi xích thằng ai gỡ cho ra?
Vụng về cũng thể cung nga,
Trăm khôn nghìn khéo chẳng qua mục đồng.
Hay là sợ muộn chồng chăng tá?
Hơi đâu mà kén cá chọn canh!
Lấy ai, ai lấy cũng đành,
Rể trời đâu cả đến anh áo buồm.

7/ Thăm bạn nghèo

Khách hỏi nhà ông đến
Nhà ông đã bán rồi
Vợ lăm le ở vú
Con tấp tểnh đi bồi
Anh trói voi bỏ rọ
Đời nào lợn cạo ngôi
Người bảo ông cũng mãi
Ông cũng thế này thôi

8/ Nhớ bạn phương trời

Ta nhớ người xa cách núi sông,
Người xa, xa lắm, nhớ ta không?
Sao đang vui vẻ ra buồn bã,
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng.
Lúc nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng,
Khi riêng riêng cả đến tình chung.
Tương tư lọ phải là mưa gió,
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng.

9/ Khóc em gái

Mệnh sao bạc thế hỡi em ơi!
Hai bốn hai lăm cũng một đời
Bảng hổ vừa treo, cầu Thước bắc
Cành thoa đã rụng, phím đàn rơi
Cây tương tư héo, chồng rầu rĩ
Thuyền độ sinh đưa, Phật rước mời
Những muốn dựng bia toan kỷ niệm
Lòng anh thương xót, xiết bao nguôi!

10/ Cảm hoài

Thua bạc nhà đi với mẹ nhà,
Bệnh gì chẳng bệnh, bệnh tim la!
Nay đi phố Giấy, mai đầu hát,
Khi ở sông Thương, lúc tỉnh Hà.
Đeo tiếng khoa danh cho thế mỉa,
Cực lòng cha mẹ để con ra!
Nam mô cứu khổ tiêu tai nạn
Nhờ lượng Quan Âm, đức Phật Bà!

11/ Chiêm bao

Bỗng thấy chiêm bao thấy những người
Thấy người nói nói lại cười cười
Tỉnh ra lại tiếc người trong mộng
Mộng thế thì bằng tỉnh mấy mươi

Những bài thơ của Tú Xương
Chiêm bao

12/ Dại khôn

Thế sự đua nhau nói dại khôn,
Biết ai là dại, biết ai khôn.
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,
Dại chốn vẵn chương, ấy dại khôn.
Này kẻ nên khôn đều có dại,
Làm người có dại mới nên khôn.
Cái khôn ai cũng khôn là thế,
Mới biết trần gian kẻ dại khôn.

13/ Lấy lẽ

Cha kiếp sinh ra phận má hồng!
Khéo thay một nỗi lấy chung chồng.
Mười đêm chị giữ mười đêm cả,
Suốt tháng em nằm suốt tháng không.
Hầu hạ đã cam phần cát luỹ,
Nhặt khoan còn ỏm tiếng Hà Đông.
Ai về nhắn bảo đàn em nhé,
Có ế thì tu, chớ chớ chung!

14/ Hỏi mình

Trải mấy mươi năm vẫn thế ru?
Rằng khôn, rằng dại, lại rằng ngu?
Những là thương cả cho đời bạc,
Nào có căm đâu đến kẻ thù.
No ấm chưa qua vành mẹ đĩ,
Đỗ đành may khỏi tiếng cha cu.
Phen này có dễ trời xoay lại,
Thằng bé con con đã chán cù.

15/ Cái nhớ

Cái nhớ hình dung nó thế nào?
Khiến người ngao ngán, ngẩn ngơ sao!
Biết nhau cho lắm thêm buồn nhé
Để khách bên trời dạ ước ao!

Các bài thơ của Tú Xương về chủ đề trào phúng

Hẩu hết những bài thơ hay của Tú Xương đều viết về chủ đề trào phúng, chua cay. Từng câu chữ như đang thay lời muốn nói của những mảnh đời khổ hạnh, vừa sắc bén vừa bất lực đến nghẹn ngào.

1/ Năm mới chúc nhau

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước, đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở trong đời.
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.

2/ Ba cái lăng nhăng

Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ đó
Có chăng chừa rượu với chừa trà

Tác phẩm tiêu biểu của Tú Xương
Ba cái lăng nhăng

3/ Đánh tổ tôm

Bực chẳng nhẽ anh hùng khi vị ngộ,
Như lúc đen chơi cuộc tổ tôm,
Bài chạm thành cuối cánh phỗng ầm ầm,
Ngồi thôi chẳng bốc quân rác rảnh.
Cũng có lúc thông chi thì bát sách,
Cũng có khi bạch định bốc yêu hồng;
Cất bài lên ông lão vẫn lẩn vòng,
Không đâu cả gặp kề năm bảy phỗng.
Cũng có ván tôm lèo lên chờ rộng,
Vớ phải thằng bạch thủ phỗng tay trên.
Gớm ghê thay đen thực là đen!
Sắc như mác cũng thua thằng vận đỏ.
May mắn nhẽ hữu duyên năng tái ngộ,
Bĩ cực rồi đến độ thái lai;
Tiếng tam khôi chi để nhường ai,
Hết bạch lại hồng, thông mãi mãi.
Nào những kẻ tay trên ban nãy,
Đến bây giờ thay thẩy dưới tay ta;
Tiếng bài cao lừng lẫy khắp gần xa,
Bát vạn ấy người ta ai dám đọ.
Thế mới biết tổ tôm có đen thì có đỏ.
Thì anh hùng vị ngộ có lo chi.
Trước sau, sau trước làm gì?

4/ Than Thân

Kể đã ba mươi mấy tuổi rồi,
Tôi ngồi tôi nghĩ cái thằng tôi.
Mấy khoa hương thí không đâu cả,
Ba luống vườn hoang bán sạch rồi.
Gạo cứ lệ ăn đong bữa một,
Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi.
Bắc thang lên hỏi ông trời nhẽ:
Trêo ghẹo người ta thế nữa thôi?

5/ Bỡn tri phủ Xuân Trường

Tri phủ Xuân Trường được mấy niên
Nhờ trời hạt ấy cũng bình yên.
Chữ “thôi” chữ “cứu” không phê đến,
Ông chỉ quen phê một chữ “tiền”!

6/ Bợm già

Thầy thầy tớ tớ, phố xênh xang,
Thoạt nhác trông ra ngỡ cóc vàng.
Kiện hết sở Tuần, vô sở Sứ
Khi thì thầy số, lúc thầy lang.
Công nợ bớp bơ hình chúa Chổm,
Phong lưu đài các giống ông hoàng.
Phong lưu như thế phong lưu mãi,
Điếu ống, xe dài độ mấy gang?

7/ Chế ông đốc học

Ông về đốc học đã bao lâu,
Cờ bạc rong chơi rặt một màu!
Học trò chúng nó tội gì thế,
Để đến cho ông vớ được đầu?

8/ Hỏi ông trời

Ta lên ta hỏi ông trời:
Trời sinh ta ở trên đời biết chi?
Biết chăng cũng chẳng biết gì
Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu
Biết thuốc lá, biết chè Tàu
Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi

9/ Nhà nho giả danh

Hỏi thăm quê quán ở nơi mô?
Không học mà sao cũng gọi “đồ”?
Ý hẳn người yêu mà gọi thế,
Hay là mẹ đẻ đặt tên cho?
Áo quần đinh đáo trông ra “cậu”.
Ăn nói nhề nhàng khác giọng ngô.
Hỏi mãi mới ra thằng bán sắt,
Mũi nó gồ gồ, trán nó giô.

Tú xương là tác giả của bài thơ nào
Nhà nho giả danh

10/ Ông tiến sĩ mới

Tiến sĩ khoa này đỗ mấy người?
Xem chừng hay chữ có ông thôi!
Nghe văn mà gớm cho văn nhỉ
Cờ biển vua ban cũng lạ đời!

11/ Phường nhơ

Bấy lâu chơi với rặt phường nhơ,
Quen mắt ưa nhìn chả biết dơ.
Nào sọt nào quang nào bộ gắp,
Đứa bưng đứa hót, đứa đang chờ.
Mình hôi mũi ngạt không kì quản,
Áo ấm cơm no vẫn nhởn nhơ.
Ngán nỗi hàng phường khi cũng tế,
Vẽ ông ôm đít để lên thờ!

12/ Than đạo học

Đạo học ngày nay đã chán rồi
Mười người đi học, chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khoá tư lương nhấp nhổm ngồi
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ
Trình có ông tiên, thứ chỉ tôi

13/ Tự cười mình

1.
Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành
Mắt thời thao láo, mặt thời xanh
Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh
Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ
Rượu chè trai gái đủ tam khoanh
Thế mà vẫn nghĩ rằng ta giỏi
Cứ việc ăn chơi, chẳng học hành

2.
Lúc túng toan lên bán cả trời
Trời cười thằng bé nó hay chơi
Cho hay công nợ âu là thế
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời
Tiền bạc phó cho con mụ kiếm
Ngựa xe chẳng thấy lúc nào ngơi
Còn dăm ba chữ nhồi trong bụng
Khéo khéo không mà nó cũng rơi.

14/ Quan tại gia

Một ngọn đèn xanh, mấy quyển vàng,
Bốn con làm lính, bố làm quan.
Câu thơ, câu phú, sưu cùng thuế,
Nghiên mực, nghiên son, tổng với làng.
Nước quạt chưa xong, con nhảy ngựa,
Trống hầu vừa dứt, bố lên thang.
Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ,
Đem chuyện trăm năm giở lại bàn.

15/ Vịnh khoa thi Hương

Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

Lời kết

Thơ Tú Xương để lại dấu ấn sâu sắc, không thể phai mờ trong văn học Việt Nam. Ông có phong cách sáng tác độc đáo, thơ ông vừa đại diện cho những mảnh đời bất hạnh, vừa là tiếng nói của tình yêu thương cuộc sống và con người.

 

 

vanthovietnam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[trafficuser_check_code]